Tìm kiếm

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Ăn bớt thép cọc khoan nhồi Vinaconex?

?Phát hiện vụ "rút ruột" công trình nhà cao tầng ở Hà Nội:
Xén bớt mỗi móng cọc... 1 tấn thép!
Nguyễn Mạnh Thắng
TT - Lần đầu tiên một vụ tham nhũng trong xây dựng cơ bản đã bị Công an Hà Nội bắt quả tang trong đêm 2 và sáng 3-3-2005.
Tại công trường thi công tòa nhà A2 (cao 12 tầng) thuộc dự án khu di dân giải phóng mặt bằng Kim Giang - Hạ Đình (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), mới kiểm tra hai hố cọc nhồi, cảnh sát kinh tế đã phát hiện chỉ có một nửa số lồng thép được hàn treo trên mỗi miệng hố, còn một nửa dưới của cọc nhồi không có một... tấc sắt nào.
Móng cọc nhồi: chỉ có phân nửa cốt thép!
Sau nhiều ngày trinh sát, 23g đêm 2-3, Công an Hà Nội đã bắt quả tang Hoàng Thành Uyên (sinh 1958, trú tại P.Thanh Xuân Bắc, Q.Thanh Xuân), khi Uyên đang chỉ đạo một số công nhân thi công đổ bêtông cọc nhồi không đúng thiết kế và yêu cầu của chủ đầu tư. Uyên là đội trưởng đội 8, thuộc Công ty cổ phần Xây dựng số 1 của Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng VN (Vinaconex), đơn vị đang thi công tòa nhà A2 cao 12 tầng, nằm trong dự án khu di dân giải phóng mặt bằng Kim Giang (Q.Thanh Xuân).
Theo bản vẽ thiết kế, móng công trình nhà A2 ứng dụng công nghệ bêtông cọc nhồi với hai loại đường kính 1m và 0,8m. Tại mỗi hố khoan sâu 43m, đơn vị thi công sẽ đặt xuống bốn lồng thép (đan bằng thép từ phi 10 đến phi 22) chồng lên nhau, lồng ở trên dày thép hơn lồng ở dưới và mỗi lồng đều đính kèm các ống thép phi 50 để phục vụ kiểm tra bêtông bằng phương pháp siêu âm sau này.
Kiểm ra tại hố 86
Sáng 3-3, trước sự chứng kiến của ông Trần Đình Lộc, phó Ban quản lý dự án Q.Thanh Xuân, cùng đại diện các Sở Xây dựng, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát (Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Hà Nội) và đông đảo báo chí, cơ quan công an đã yêu cầu phía thi công cho dỡ các lồng sắt ở hai hố 64 và 86 lên. Thật ngờ, tại hố cọc 64, sau khi công nhân cắt mối hàn (đầu lồng sắt phía trên được hàn vào thành ống sắt bao quanh ở tư thế... treo) thì chỉ đưa lên được hai lồng sắt, không phải bốn lồng như thiết kế. Đo trực tiếp, một lồng thép dài 11,75m, còn lồng kia dài 8,9m, cộng cả hai lồng cũng chỉ dài 20,65m, có nghĩa là hơn 20m phía dưới (cả chiều dài cọc là 43m) sẽ được đơn vị thi công đổ bêtông mà không có... cốt thép (lồng sắt)!
Tại hố 86, tình trạng cũng xảy ra tương tự. Những người có mặt, kể cả giới báo chí - vốn lâu nay tin vào uy tín và chất lượng thi công của nhà thầu Vinaconex - cứ mong sau hai lồng thép được cẩu lên sẽ còn lồng thứ ba, lồng thứ tư... Nhưng chờ mãi, chờ mãi, rốt cuộc... chẳng còn gì. Thật khó có thể tưởng tượng một công trình qui mô như vậy lại được xây dựng trên một nền móng thiếu vững chắc, chỉ đạt phân nửa so với yêu cầu thiết kế. Chỉ cần xuất hiện một cơn địa chấn, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra với tòa nhà cao tầng bị làm ẩu ngay từ móng này?   
Tham gia trong vụ này ngoài Hoàng Thành Uyên còn có Nguyễn Mạnh Thắng (1960, quê Sơn Tây, hiện trú tại khu tập thể Công ty Xây dựng phát triển nông thôn 8, Phương Mai, Q.Đống Đa). Thắng là nhân viên hợp đồng Viện Kỹ thuật xây dựng Hà Nội nhưng nhờ quen biết nên được Công ty Tư vấn và thiết kế xây dựng Hà Nội thuê làm tư vấn giám sát công trình trên. Bị tạm giữ tại cơ quan điều tra, Uyên và Thắng đã khai báo nhiều chi tiết quan trọng về vụ “rút ruột” công trình trắng trợn này...
Thi công và giám sát “ngoắc tay nhau”
Hoàng Thành Uyên
Hoàng Thành Uyên khai công trình nhà A2 gồm 132 căn hộ, Công ty cổ phần Xây dựng số 1 của Vinaconex đã vượt qua năm ứng cử viên khác để thắng thầu với tổng trị giá 45 tỉ đồng. Công trình khởi công từ đầu tháng 1-2005, phần móng có tổng số 136 cọc nhồi cần thi công, đến ngày 2-3 đã khoan và đổ bêtông được 52 cọc.
Trong ngày 2-3, Uyên chỉ đạo công nhân đặt lồng sắt vào hai hố khoan 64 và 86, mỗi hố chỉ đặt hai lồng thay vì bốn lồng. Trung bình mỗi lồng thép nặng khoảng 500kg, mỗi cọc Uyên chỉ đạo “bớt” hai lồng là khoảng 1 tấn thép, trị giá gần 8 triệu đồng theo giá thị trường. Sau khi đặt hai lồng thép xuống hố, Uyên chỉ đạo các công nhân đổ bêtông tươi ngay để tránh bị phát hiện.
Nguyễn Mạnh Thắng thì khai để che giấu việc ăn bớt thép, Uyên và một số người của bên thi công đã chỉ đạo công nhân làm tắc các ống thép phục vụ kiểm tra siêu âm. Sau này, giả sử có kiểm tra, cơ quan giám định khó lòng mà phát hiện việc hơn 20m bêtông cọc móng phía dưới không có cốt thép.
Trao đổi với phóng viên tại hiện trường, phó Ban quản lý dự án Thanh Xuân Trần Đình Lộc tỏ ra rất bức xúc về vụ "rút ruột" công trình này: “Chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Q.Thanh Xuân để có hướng xử lý đối với các đơn vị này”. Còn theo nguồn tin của Tuổi Trẻ chiều tối qua, vụ việc đã được báo cáo lãnh đạo Công an TP Hà Nội và đề xuất xử lý theo hướng khởi tố vụ án, khởi tố một số bị can ở đơn vị thi công và giám sát về tội tham ô tài sản.     
Bài, ảnh: N.V.HẢI

1 nhận xét:

  1. Hồi còn học ở trường thầy giáo tôi có nói ko cần thiết phải đặt lồng thép hết toàn bộ chiều sâu coc nhồi. Vậy mà bài báo này viết thiết kế phải đặt hết chiều sâu hố khoan tổng cộng 4 lồng thép. Liệu làm như thế có phải là tốn kém ko?
    Mong các bác có kinh nghiệm cho ý kiến.

    Trả lờiXóa